Hướng dẫn cài và sử dụng App tra cứu quy hoạch Hà Nội của Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn cài và sử dụng App tra cứu quy hoạch Hà Nội của Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn cài và cách sử dụng app tra cứu quy hoạch Hà Nội trên điện thoại của Sở Tài nguyên và Môi trường.

App tra cứu quy hoạch Hà Nội trên điện thoại chính xác nhất

Hiện nay, khi truy vào vào kho ứng dụng CH Play của hệ điều hành Android, hay App Store trên IOS, các bạn sẽ thấy vô vàn các app tra cứu quy hoạch Hà Nội khác nhau, từ các ứng dụng được giới thiệu là tra cứu quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố, tới những ứng dụng tra cứu quy hoạch từng quận/huyện của thành phố…

Tuy nhiên, các bạn có thể dễ dàng nhận ra một điều là, đa số các ứng dụng đó là do các cá nhân hoặc tổ chức tư nhân tạo nên chứ không phải do cơ quan nhà nước. Như chúng tôi đã từng chia sẻ, khi các bạn chưa am hiểu nhiều về quy hoạch, thì tốt nhất là các bạn nên tìm những kho dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp. Cơ quan nhà nước cung cấp về quy hoạch thì luôn đảm bảo độ chính xác và đáng tin cậy cao nhất.

Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn app tra cứu quy hoạch Hà Nội do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố lập và vận hành. Đây chính là ứng dụng công khai thông tin đất đai TP Hà Nội. Ứng dụng này có thể tra cứu trên destop (máy tính để bàn, laptop) và có thể tải để cài và tra cứu trên điện thoại.

Về cách tra cứu trên điện thoại thì cũng gần giống với cách tra cứu trên destop. Để tra cứu quy hoạch Hà Nội trên điện thoại, thì đầu tiên các bạn phải tải app về và cài đặt thành công.

Hướng dẫn cài App tra cứu quy hoạch Hà Nội

Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bước cài app tra cứu quy hoạch Hà Nội của Sở Tài nguyên và Môi trường trên điện thoại chính xác nhất:

Bước 1: Truy cập vào đường link sau: App tra cứu quy hoạch Hà Nội

Các bạn lưu ý, đối với điện thoại Iphone, thì các bạn có thể vào trực tiếp App Store rồi search “quy hoạch Hà Nội” là hệ thống sẽ trả kết quả có ứng dụng của Sở Tài nguyên. Các bạn chọn đúng ứng dụng có logo của Sở rồi tiến hành tải, cài theo hướng dẫn như những ứng dụng khác.

Đối với các bạn sử dụng điện thoại với hệ điều hành Android thì cần truy cập vào đường link ở Bước 1 nói trên, bởi trên CH Play hiện nay không có ứng dụng của Sở Tài nguyên và Môi trường. Chính xác thì trước đây vẫn có, nhưng nhiều tháng gần đây (tính đến tháng 11/2021) thì chúng tôi không thể tìm thấy nữa. Về việc, ứng dụng này có cập nhật trở lại lên CH Play hay không thì chúng ta phải chờ đợi mới có thể biết được.

Bước 2: Bạn sẽ thấy gợi ý tải app cho Iphone hoặc Android hiện ra, bạn sử dụng điện thoại nào, hệ điều hành nào thì click vào app tương ứng để tải về và cài đặt lần lượt theo gợi ý trên điện thoại.

Tôi sử dụng Android nên tôi sẽ bấm vào ứng dụng “Dành cho Android”. Do đây là ứng dụng bạn tải qua web, nên hệ thống sẽ có cảnh báo “có thể gây hại” và hỏi bạn có “muốn giữ lại hay không”. Bạn bấm vào ok để tiếp tục. Bạn không cần phải lo ngại nguy cơ gây hại cho máy, bởi đó là do hệ thống đề phòng với những nguồn app không rõ ràng mà thôi.

Bước 3: Sau khi file được tải về, bạn bấm “Mở” để tiếp tục cài đặt.

Bước 4: Thông báo không được cài đặt từ bên thứ 3 hiện lên, bạn bấm vào “Cài đặt” để tiếp tục.

Bước 5: Bật “Cho phép từ nguồn này”.

Bước 6: Trở về với file cài đặt và bấm “Cài đặt”.

Bước 7: Quá trình cài đặt hoàn tất, bạn có thể mở ứng dụng lên để bắt đầu trải nghiệm.

Lưu ý: Nếu bạn nào làm đi làm lại theo các bước nói trên mà vẫn chưa thể cài đặt thành công, thì hãy lên google search “hướng dẫn cài đặt file apk” để tìm hiểu thêm.

Hướng dẫn tra cứu quy hoạch Hà Nội trên điện thoại

Chúng tôi từng có bài hướng dẫn các bạn tra cứu trên máy tính, nếu các bạn đã đọc bài viết đó thì việc tra cứu trên điện thoại sẽ vô vùng đơn giản, bởi vì, cách tra cứu trên điện thoại không khác nhiều so với trên máy tính. Các bạn có thể đọc lại bài viết TẠI ĐÂY.

Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số vấn đề cơ bản nhất để tra cứu quy hoạch trên app của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Sau khi cài đặt thành công, bạn mở app lên thì giao diện chính sẽ hiện ra như hình bên dưới. Trước khi bắt tay vào tra cứu, các bạn cần biết các thanh công cụ trên giao diện có ý nghĩa là gì. Dưới đây, chúng tôi đánh số thứ tự các công cụ từ 1 đến 12 và giải thích cho các bạn tác dụng của từng công cụ:

* Số 1: Phần này là quan trọng nhất và chúng tôi sẽ giải thích cụ thể nhất. Đây chính là danh mục để các bạn chọn loại bản đồ quy hoạch muốn tra cứu. Khi bấm vào phần này, bạn sẽ thấy các loại bản đồ hiện ra như hình bên dưới:

Trong đó:

QHSDĐ cấp TP đến năm 2020 (tức Bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp thành phố đến năm 2020): Đây là bản đồ giúp bạn tra cứu quy hoạch trên toàn thành phố. Nói cách khác, bạn có thể xem quy hoạch toàn thành phố trên một bản đồ. Loại bản đồ này phù hợp để các bạn xem quy hoạch không gian rộng như toàn bộ cầu bắc qua các sông, hay những đường giao thông chạy từ quận này sang quận khác.

QHSDĐ điều chỉnh cấp TP đến năm 2020 (tức Bản đồ quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh cấp thành phố đến năm 2020): Trong mỗi kỳ quy hoạch (10 năm), Hà Nội có lần điều chỉnh quy hoạch và các điều chỉnh được cập nhật thành bản đồ điều chỉnh. Tức bản đồ này chính là bản đồ QHSDĐ cấp TP đến năm 2020 nhưng đã được cập nhật những thay đổi về quy hoạch mới nhất. Vì vậy, bạn nên ưu tiên tra cứu bản đồ này. Trước đó, chúng tôi cũng hướng dẫn xem bản đồ quy hoạch đường Vành đai 4 chi tiết đến từng thửa đất dựa trên bản đồ này, các bạn quan tâm có thể xem TẠI ĐÂY.

QHSDĐ cấp huyện đến năm 2020 (tức Bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020): Đây là bản đồ giúp bạn xem quy hoạch của một quận/huyện cụ thể.

QHSDĐ điều chỉnh cấp huyện đến năm 2020 (tức Bản đồ quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh cấp huyện đến năm 2020): Đây là bản đồ QHSDĐ cấp huyện đã được cập nhật những thông tin điều chỉnh mới nhất. Đối với các bạn xem quy hoạch trên phạm vi hẹp, xem quy hoạch mảnh đất của mình thì nên ưu tiên xem bản đồ này. Đối với các huyện chưa có bản đồ QHSDĐ điều chỉnh thì các bản xem các bản đồ nêu trên.

– KHSDĐ cấp huyện năm 2020 (tức Bản đồ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020, KHSDĐ cấp huyện năm 2019, 2018… cũng có ý nghĩa tương tự): Nhóm bản đồ kế hoạch sử dụng đất khác với bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Các bạn có thể hiểu đơn giản rằng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất cho bạn biết một địa phương dự kiến sẽ làm những gì trên đất trong khoảng thời gian 10 năm.

Trong khi đó, bản đồ kế hoạch sử dụng đất cho bạn biết trong vòng 3 năm tới một địa phương sẽ dùng đến đến những mảnh đất nào và làm gì trên đó. Tức là, KHSDĐ có phạm vi hẹp hơn QHSDĐ. Những khu đất đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì sẽ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong vòng 3 năm thì chính quyền sẽ tiến hành thu hồi đất để triển khai dự án theo quy hoạch.

Chúng tôi cũng từng có bài viết giải thích hết sức chi tiết thế nào là quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, các bạn quan tâm có thể đọc TẠI ĐÂY.

Các bạn lưu ý vấn đề này, chúng tôi từng chia sẻ ở các bài viết trước nhưng vẫn cần nhắc lại, đó là: Hiện tại, các bản đồ trên app đang là bản đồ quy hoạch đến năm 2020. Tuy nhiên, các bản đồ này vẫn có giá trị. Hiện Hà Nội đang lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030. Khi nào quy hoạch thời kỳ mới được phê duyệt thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ dần dần cập nhật lên ứng dụng.

* Số 2: Đây là công cụ cho phép bạn tra cứu với bản đồ số, hoặc bản đồ giấy. Công cụ này chúng tôi ít sử dụng. Bởi vì chúng tôi thường tra cứu theo mặc định của hệ thống là bản đồ giấy. Theo trải nghiệm của chúng tôi thì bản đồ số chưa đầy đủ.

* Số 3: Đây là phần giao diện chính để các bạn xem bản đồ. Bạn chạm vào đó thì lớp bản đồ quy hoạch sẽ hiện ra.

* Số 4: Là lớp bản đồ nền để bạn so sánh, bạn có thể chọn xem với nền là bản đồ giao thông hoặc google vệ tinh. Chúng tôi thường xem với lớp mặc định là google vệ tinh.

* Số 5: Đây là thanh công cụ quan trọng và rất hưu ích. Bạn chạm vào đó rồi kéo lên – xuống để hiện – ẩn lớp bản dồ quy hoạch. Từ đó bạn dễ dàng so sánh trực quan quy hoạch với hình ảnh thực địa qua google vệ tinh hoặc bản đồ giao thông.

* Số 6: Nút cho phép bạn ẩn bớt các thanh công cụ để giao diện tra cứu rộng hơn, dễ quan sát hơn.

* Số Số 7 – Vị trí hiện thời: Khi bấm vào đây, bản đồ quy hoạch sẽ hiển thị quy hoạch vị trí mà bạn đang đứng.

* Số 8 – Địa chỉ/Tọa độ: Điền địa chỉ/tọa độ mà bạn muốn tra cứu quy hoạch.

* Số 9 – Thửa đất: Điền số thửa đất trên sổ đỏ để xem quy hoạch thửa đất đó. Theo trải nghiệm của chúng tôi, công cụ này có lẽ chưa hoàn thiện. Công cụ này có thể chỉ hiển thị một số thửa đất đã được nhập lên dạng “bản đồ số” khi bản xem bản đồ “kế hoạch sử dụng đất”.

* Số 10 – Địa bàn: Công cụ cho bạn chọn các địa điểm theo quận huyện để tra cứu. Công cụ này ít quan trọng, bởi thông thường, khi bạn chọn QHSDĐ cấp huyện (ở công cụ Số 1) thì giao diện chính (số 3) đã hiện thị toàn bộ các quận huyện. Bạn muốn xem quận/huyện nào thì bấm vào quận/huyện đó là bản đồ quy hoạch sẽ hiện lên.

* Số 11 – Bookmark: Nếu bạn xem quy hoạch một địa điểm và đã lưu lại địa điểm đó thì lần truy cập tiếp theo bạn bấm vào đây để xem lại.

* Số 12 – So sánh: Công cụ cho phép bạn so sánh bản đồ số và bản đồ giấy trên cùng một giao diện. Theo trải nghiệm của chúng tôi, công cụ này cũng ít quan trọng.

Nhìn chung, sau khi các bạn nắm được ý nghĩa của cách thanh công cụ nói trên thì các bạn hoàn toàn có thể bắt đầu trải nghiệm và tra cứu được quy hoạch mảnh đất mà bạn quan tâm. Nếu vẫn còn thấy rối, thì các bạn hãy ghi nhớ và làm theo 4 bước đơn giản dưới đây:

Bước 1: Mở app và chọn loại bản đồ ở công cụ Số 1.

Bước 2: Chạm vào giao diện chính giữa màn hình (công cụ Số 3) để bản đồ quy hoạch hiện ra.

Bước 3: Zoom to – nhỏ, di chuyển đến khu đất mà mình muốn tra cứu quy hoạch. Sau đó dùng thanh công cụ Số 5 ở góc dưới bên phải màn hình, kéo lên – xuống để ẩn – hiện lớp bản đồ quy hoạch, so sánh trực quan với lớp bản đồ vệ tinh.

Bước 4: Góc bản đồ luôn có một phần “Chú dẫn”, hãy zoom vào đó để biết các ký hiệu, các màu sắc, các mã đất… có ý nghĩa là đất quy hoạch làm gì.

Xem thêm:

Nguyên tắc cơ bản để hiểu một bản đồ quy hoạch cho người lần đầu tra cứu

Ý nghĩa các loại đất trong quy hoạch chưa ai chỉ bạn, được làm gì trên từng loại đất?

3 website cung cấp bản đồ quy hoạch Hà Nội bản gốc, chính xác và đáng tin cậy nhất