6 cây cầu nối Thái Bình – Nam Định đang và sẽ xây theo quy hoạch

6 cây cầu nối Thái Bình – Nam Định đang và sẽ xây theo quy hoạch

Khám phá vị trí 6 cây cầu nối Thái Bình – Nam Định đang và sẽ xây dựng vượt sông Hồng theo quy hoạch.

Tỉnh Thái Bình và Nam Định cách nhau dòng sông Hồng. Đoạn sông Hồng ngăn cách hai tỉnh này dài tới khoảng 70 km. Mặc dù vậy, tới nay chỉ có duy nhất một cầu được xây dựng nối hai tỉnh, đó là cầu Tân Đệ. Theo quy hoạch, có 6 ví trí khác đang và sẽ xây cầu nối Thái Bình – Nam Định vượt sông Hồng.

Đoạn sông Hồng chảy qua giữa tỉnh Thái Bình và Nam Định.

Xem quy hoạch cầu nối Thái Bình – Nam Định ở đâu?

Trước hết, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn các nguồn thông tin cho biết quy hoạch các cây cầu nối Thái Bình – Nam Định. Từ các nguồn tin này, các bạn cũng có thể xem quy hoạch toàn bộ tỉnh và các huyện của hai tỉnh ven biển này.

Nguồn tin thứ nhất, là dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình và Nam Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các bạn click vào các đường link dưới đây để xem và tải về hồ sơ chi tiết.

Dự thảo quy hoạch Thái Bình

Dự thảo quy hoạch tỉnh Nam Định

Từ mỗi hồ sơ quy hoạch nêu trên, cách đơn giản nhất là các bạn tìm đến Bản đồ quy hoạch giao thông của mỗi tỉnh (Bản đồ Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải). Bài viết của chúng tôi cũng sẽ căn cứ theo các quy hoạch, bản đồ này để các bạn dễ hình dung nhất.

Về lý thuyết, dự thảo quy hoạch là chưa được phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, các bạn có thể yên tâm là vị trí quy hoạch các cầu nêu trên đã được đưa vào quy hoạch các huyện/thành phố hoặc cấp tỉnh trong giai đoạn trước.

Vì vậy, khi được phê duyệt chính thức, chắc chắn các cây cầu này sẽ không thay đổi so với bản dự thảo.

Nguồn tin thứ hai, như chúng tôi đã nói ở trên, các vị trí có thể xây cây cầu trên đã được đưa vào quy hoạch các huyện/thành phố của Thái Bình và Nam Định.

Các bạn có thể tìm và xem bản đồ Quy hoạch xây dựng vùng các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư đến năm 2040 đối với Thái Bình. Phía Nam Định, các bạn có thể xem bản đồ quy hoạch xây dựng vùng huyện Giao Thủy, Nam Trực, Xuân Trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bản đồ định hướng phát triển giao thông thuộc đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nam Định đến năm 2040.

Riêng huyện Xuân Trường, bản đồ được duyệt trong giai đoạn trước chưa thể hiện, mà hiện nay đã có dự thảo điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Xuân Trường. Dự thảo này thể hiện rất rõ quy hoạch cầu nối từ Xuân Trường sang Thái Bình khớp với hồ sơ dự thảo quy hoạch cấp tỉnh nêu trên.

Các bạn có thể xem quy hoạch các huyện Thái Bình TẠI ĐÂY, thành phố và các huyện của Nam Định TẠI ĐÂY.

Từ các nguồn thông tin quy hoạch nêu trên, chúng ta xác định được 6 vị trí đang và sẽ làm cầu nối Thái Bình – Nam Định như hình dưới đây.

6 cầu đang và sẽ xây dựng nối Thái Bình – Nam Định thể hiện trên dự thảo Bản đồ quy hoạch Giao thông tỉnh Thái Bình.
6 cầu đang và sẽ xây dựng nối Nam Định – Thái Bình thể hiện trên dự thảo Bản đồ quy hoạch Giao thông tỉnh Nam Định.

Cùng chúng tôi khám phá vị trí, lộ trình xây dựng những cây cầu nối Thái Bình – Nam Định lần lượt theo số thứ tự từ 1 – 6 trong bản đồ nêu trên.

Cầu nối Tiền Hải – Giao Thủy đang xây dựng

Cầu số 1: Cầu nối Tiền Hải – Giao Thủy thuộc tuyến đường bộ ven biển đang xây dựng.

Đây là cây cầu số 1 theo hình trên. Cây cầu này có nhiều tên gọi khác nhau. Cụ thể, trên Google maps đang thể hiện tên cầu là cầu Thái Định, trong dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình thì chỉ nêu cầu tại xã Nam Phú.

Trên thực tế, cây cầu này đang xây dựng và thuộc dự án xây dựng tuyến đường ven biển qua Nam Định và Thái Bình. Cây cầu này nối xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (Nam Định) với xã Nam Phú, huyện Tiền Hải (Thái Bình).

Các bạn lên Google search sẽ thấy rất nhiều hình ảnh về cây cầu này. Hiện nay dự án cũng sắp hoàn thành.

Cầu Cồn Nhất nối Kiến Xương – Giao Thủy

Vị trí quy hoạch cầu Cồn Nhất nối Thái Bình – Nam Định. (Cầu số 2).

Cầu Cồn Nhất (cầu số 2) sẽ được xây dựng thay thế cho phà Cồn Nhất hiện nay. Cây cầu này sẽ khớp nối quốc lộ 37 đầu Thái Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương) với đầu Nam Định (thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy).

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình, cầu Cồn Nhất dự kiến được xây dựng với chiều dài 1,5km, thời gian xây dựng là trong ngắn hạn – giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Cầu Mộ Đạo trên tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng

Vị trí quy hoạch cầu Mộ Đạo nối Thái Bình – Nam Định. (Cầu số 3).

Cầu Mộ Đạo (cầu số 3) sẽ được xây dựng để nối xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường (Nam Định) với xã Vũ Bình, huyện Vũ Thư (Thái Bình).

Cây cầu này năm trên tuyến cao tốc CT08 Ninh Bình – Hải Phòng. Theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ quốc gia, cao tốc CT08 có quy mô 4 làn xe, chiều dài 109 km, điểm đầu tại TP Ninh Bình, điểm cuối tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Cao tốc sẽ được xây dựng trước năm 2030, đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình, cầu Mộ Đạo cũng được xây dựng trong thời gian trong ngắn hạn – giai đoạn từ nay đến năm 2030. Cầu này có chiều dài khoản 1 km.

Thời gian gần đây, tỉnh Thái Bình, Nam Định cùng cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn việc triển khai đoạn cao tốc CT 08 đoạn qua địa bàn hai tỉnh. Đoạn cao tốc này dự kiến sẽ được triển khai theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư hơn 18.081 tỷ đồng, trong đó dự kiến nhà đầu tư là Tập đoàn Geleximco sẽ chi khoảng 9.511 tỷ đồng.

Với các tín hiệu trên thì có thể nhận định cầu Mộ Đạo nói riêng và cao tốc CT 08 nói chung sẽ sớm được xây dựng.

Cầu Sa Cao nối Vũ Thư – Xuân Trường

Vị trí quy hoạch cầu Sa Cao nối Thái Bình – Nam Định. (Cầu số 4).

Theo quy hoạch, cầu Sa Cao (cầu số 4) sẽ được xây dựng nối xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) với khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Thành, Xuân Châu, huyện Xuân Trường (Nam Định).

Vị trí xây cầu Sa Cao cách phà Sa Cao hiện nay khoảng 1,5 km về phía hạ nguồn.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình, cầu Sa Cao dài 1,8 km, được ưu tiên xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Cùng với cầu Sa Cao, tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng một đường giao thông mới (tỉnh lộ 39B mới) nối từ cầu này đến tỉnh lộ 39B hiện tại ở phía Bắc.

Cầu đường sắt nối Vũ Thư – Nam Trực

Vị trí quy hoạch cầu đường sắt nối Nam Định – Thái Bình. (Cầu số 5).

Đây là cầu thuộc tuyến đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (cầu số 5).

Cây cầu này sẽ nối xã Tự Tân, giáp ranh xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư (Thái Bình) với xã Nam Thắng, giáp ranh xã Điền Xá, huyện Nam Trực (Nam Định). Vị trí làm cầu đường sắt là khu vực bến đò Đại An hiện nay.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình thì tuyến đường sắt nêu trên sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030.

Quy hoạch Mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 cũng định hướng nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh trong giai đoạn 2031 – 2050.

Cầu nối TP Nam Định – Vũ Thư

Vị trí quy hoạch cầu nối Vũ Thư – TP Nam Định mở rộng. (Cầu số 6).

Cây cầu cuối cùng (cầu thứ 6) nối Thái Bình – Nam Định khác sẽ được xây dựng đó là cầu nối xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư với xã Điền Xá, huyện Nam Trực (cầu số 6).

Xã Điền Xá là một trong những địa phương được định hướng quy hoạch sáp nhập vào TP Nam Định trong tương lai. Vì vậy, có thể gọi cây cầu thứ 6 này là cầu nối TP Nam Định với huyện Vũ Thư.

Vị trí cụ thể dự kiến xây cây cầu thứ 6 này là đoạn bến đò Thuận Nghiệp hiện nay, cách cầu đường sắt nêu trên khoảng 2,5 km về phía thượng nguồn.

Hiện chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về lộ trình làm cây cầu này. Tuy nhiên, cây cầu này bắt vào đường Vành đai 2 TP Nam Định. Theo bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải tỉnh Nam Định thì Vành đai 2 này dự kiến làm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Ở phía tỉnh Thái Bình, theo dự thảo bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, một đường tỉnh lộ mới (463B) sẽ được mở mới nối từ chân cầu này để bắt vào Quốc lộ 10 ở phía Bắc.

Tuy nhiên, trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất huyện Vũ Thư và dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030 không thể hiện tuyến đường này. Như vậy, tuyến đường này có thể được nghiên cứu giai đoạn sau năm 2030.

Lưu ý: Hãy mở các ảnh trong tab mới, hoặc tải về máy rồi zoom ra để xem rõ nhất.

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn xem quy hoạch đường Vành đai 4 Hưng Yên chính xác nhất