“Đại” điều chỉnh quy hoạch Việt Nam theo 34 tỉnh thành sau sáp nhập

Dự kiến sắp có một cuộc “đại” điều chỉnh quy hoạch Việt Nam theo 34 tỉnh thành sau sáp nhập.
Theo lộ trình dự kiến, từ nay đến tháng 8/2025, Việt Nam sẽ sáp nhập giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh thành, giảm 50-70% số xã so với hiện nay và không còn cấp huyện. Cùng với việc sáp nhập này, dự kiến sẽ có một cuộc đại điều chỉnh quy hoạch trên cả nước.

Trước khi tìm hiểu về những thay đổi trong quy hoạch, chúng ta cùng tìm hiểu về hệ thống quy hoạch ở Việt Nam hiện nay.
Hệ thống quy hoạch hiện nay có nhiều loại. Tuy nhiên, theo phân cấp thì có 4 nhóm quy hoạch chính, gồm: Quy hoạch cấp quốc gia (Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành), Quy hoạch cấp tỉnh thành phố (quy hoạch chung dài hạn, quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 20250), quy hoạch cấp huyện (quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030) và cuối cùng là các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Từ năm 2017, lần đầu tiên nước ta có Luật Quy hoạch. Sau khi Luật này có hiệu lực, Việt Nam đã tiến hành lập một hệ thống quy hoạch thống nhất từ trung ương tới địa phương. Đó chính là Quy hoạch Tổng thể Quốc gia và 63 đồ án quy hoạch tương ứng với 63 tỉnh thành hiện tại.
Quy hoạch các tỉnh căn cứ theo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Mỗi tỉnh khi lập quy hoạch thì đều ngồi lại với các tỉnh giáp ranh để thống nhất những nội dung có liên quan đến khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Chính vì vậy, khi sáp nhập tỉnh, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ khá thuận lợi.
Tuy nhiên, hệ thống quy hoạch Việt Nam sẽ có những điều chỉnh rất lớn khi sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện. Dưới đây là 5 nhóm vấn đề đáng chú nhất sẽ thay đổi trong hệ thống quy hoạch Việt Nam khi sáp nhập.
Thứ nhất, nhiều quy hoạch sẽ hết hiệu lực khi sáp nhập
Nhiều loại đồ án quy hoạch sẽ hết hiệu lực, hoặc lược bỏ trong hệ thống quy hoạch. Trong đó có toàn bộ các đồ án quy hoạch vùng huyện và vùng huyện, một số đồ án quy hoạch tỉnh và vùng tỉnh. Bởi vì, chúng ta bỏ đơn vị cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh.
Nói một cách dễ hiểu hơn, ví dụ, hiện nay có một loại bản đồ phổ biến được nhiều người biết đến khi tra cứu quy hoạch, đó là bản đồ Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của các huyện. Khi bỏ cấp huyện thì toàn bộ các quy hoạch này cũng sẽ không tồn tại trong tương lai nữa.
Tương tự, toàn bộ các đồ án quy hoạch thành phố trong thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh hiện nay, đồ án quy hoạch chung các thị xã… cũng sẽ hết hiệu lực, không tồn tại nữa. Bởi vì, thành phố trong thành phố, các thị xã thuộc cấp huyện và đơn vị hành chính này cũng sẽ chấp dứt hoạt động từ tháng 7/2025.
Tuy nhiên, nói là hết hiệu lực cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì bản chất nội dung các quy hoạch đó sẽ được kế thừa, tích hợp vào các đồ án quy hoạch mới. Chỉ là về hình thức, sẽ không còn những tên gọi cũ với phạm vi nghiên cứu quy hoạch cũ.
Thứ hai, lập nhiều quy hoạch mới khi sáp nhập tỉnh
Khi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, thì chắc chắn một số đồ án quy hoạch mới sẽ được lập trên phạm vi mới.
Ví dụ, khi các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam hiện nay sáp nhập với nhau để thành tỉnh mới mang tên Ninh Bình, thì một đồ án quy hoạch chung của tỉnh Ninh Bình mới cần phải được lập trên phạm vi diện tích cả 3 tỉnh cũ.
Tương tự, khi bỏ cấp huyện thì nhiều khả năng các đồ án quy hoạch cấp huyện trước đây sẽ được lược bỏ, thay vào đó có thể sẽ có đồ án quy hoạch của từng xã, từng phường.
Chúng tôi rất kỳ vọng rằng, sau khi sáp nhập và sửa đổi luật, bản đồ quy hoạch chung sẽ được lập đến cấp xã.
Khi đó, quy hoạch được lập trên phạm vi hẹp hơn cấp huyện hiện nay và tỷ lệ bản đồ quy hoạch sẽ lớn hơn. Từ đó, các chi tiết trên bản đồ quy hoạch sẽ thể hiện rõ nét hơn, và việc xem quy hoạch của người dân sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thứ ba, nhiều điều chỉnh quy hoạch rất lớn khi còn 34 tỉnh thành
Để phù hợp với các cấp, các đơn vị hành chính mới. thì hầu hết các đồ án quy hoạch từ cấp quốc gia cho tới cấp phân khu và cả quy hoạch chi tiết sẽ cần điều chỉnh về hình thức.
Ví dụ, ở đồ án quy hoạch tổng thể quốc gia, tất nhiên là phải điều chỉnh toàn bộ các bản đồ quy hoạch về tên và ranh giới các tỉnh mới. Cũng trong đồ án này, tên gọi và số lượng các tỉnh cũng sẽ được điều chỉnh trong các nội dung về phân vùng kinh tế, các hành lang kinh tế, vân vân…
Bên cạnh những điều chỉnh về hình thức, nhiều tỉnh sẽ có những điều chỉnh quy hoạch lớn, vĩ mô hơn. Bởi vì, dù sao thì trước đây các tỉnh cũng lập quy hoạch chủ yếu dựa trên các nguồn lực của tỉnh mình.
Còn hiện tại, khi sáp nhập với tỉnh khác thì sẽ có tổng thể địa hình khác, có nguồn lực và dư địa phát triển lớn hơn. Bởi vậy, việc quy hoạch có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới. Không loại trừ khả năng, những sự điều chỉnh này sẽ được tính toán ngay khi lập các đồ án quy hoạch cấp tỉnh mới.
Ví dụ, một tỉnh trước đây có địa hình hẹp theo chiều bắc nam, nhưng rộng theo hướng đông tây, họ quy hoạch phát triển hành lang kinh tế – đô thị trọng điểm theo hướng đông tây chẳng hạn.
Nhưng nếu sáp nhập thêm các tỉnh ở phía bắc và phía nam, tức là địa phận được mở rộng ra theo hướng Bắc Nam, thì khi đó có thể điều chỉnh quy hoạch làm sao đó để phát triển mạnh thêm trục Bắc Nam.
Thư tư, quy hoạch lại các trung tâm hành chính
Sau khi sáp nhập, dự kiến có hàng nghìn UBND cấp huyện và cấp xã hiện nay không còn hoạt động nữa, bên cạnh đó là một số UBND cấp tỉnh sau sáp nhập.
Chắc chắn rất nhiều cơ sở nhà đất trong nhóm này sẽ không làm trụ sở cơ quan nhà nước nữa.
Khi đó, các quỹ đất này có thể để làm công trình công cộng, trường học, bệnh viện, hoặc làm trung tâm thương mại, dự án bất động sản…
Và để làm được điều này, tất nhiên là phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với mục đích mới.
Ngoài các trụ sở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đang sử dụng hiện tại, thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã quy hoạch quỹ đất để làm trung tâm hành chính mới cho các cấp.
Như vậy, nếu đơn vị nào sáp nhập và hủy kế hoạch di chuyển trung tâm hành chính mới, thì quỹ đất đã quy hoạch làm trụ sở mới đó có thể cũng được điều chỉnh sang chức năng khác.
Ở chiều ngược lại, sẽ có nhiều địa phương được chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính mới, bao gồm cả cấp tỉnh và cấp xã sau sáp nhập. Rất có thể, nhiều địa phương trong số đó sẽ được quy hoạch thêm quỹ đất để mở rộng hoặc xây mới trung tâm hành chính.
Cuối cùng, toàn bộ các luật về quy hoạch sẽ được sửa đổi
Các Luật về Quy hoạch hiện nay như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Luật Quy hoạch Đô thị, cùng với đó là nhiều văn bản dưới luật về quy hoạch sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tên gọi, thẩm quyền tương ứng với các cấp và đơn vị hành chính mới.
Ngoài các nội dung này, có nhiều loại quy hoạch sẽ không hoặc rất ít thay đổi. Trong đó có nhóm quy hoạch các ngành, cụ thể là các quy hoạch như mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển…
Bởi vì, các quy hoạch này đã được nghiên cứu lập trên phạm vi quốc gia, có quy hoạch riêng được phê duyệt, chứ không phải được quy hoạch rời rạc trong phạm vi từng tỉnh./.