3 tuyến đường sắt đô thị chạy qua Vinhomes Smart City khi nào xây dựng?
Lộ trình làm 3 tuyến đường sắt đô thị chạy qua Vinhomes Smart City theo quy hoạch, cập nhật thông tin tiến độ mới nhất hiện nay.
Khu đô thị Vinhomes Smart City, hay có tên gọi khác là Khu đô thị mới Tây Mỗ – Đại Mỗ. Dự án có diện tích khoảng 280 ha, nằm trên địa phận các phường Đại Mỗ và phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư.
Vinhomes Smart City là một trong những khu đô thị lớn và có vị trí đẹp nhất phía Tây Hà Nội vào thời điểm hiện tại. Dự án có một mặt tiền trên Đại lộ Thăng Long, một phần ranh giới phía Tây Nam giáp đường Lê Trọng Tấn (đường Vành đai 3,5). Từ dự án đến BigC Thăng Long (ngã tư Đại lộ Thăng Long – Vành đai 3) chỉ khoảng 4 km.
Các tuyến đường sắt đô thị chạy qua Vinhomes Smart City Tây Mỗ
Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg (ngày 31/3/2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030, thì có 9 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm Hà Nội.
Trong 9 tuyến này có 3 tuyến chạy qua Vinhomes Smart City. Đó là các tuyến metro số 5, 6 và 7. Trong đó, tuyến số 6 chạy cắt ngang qua dự án, tuyến số 5 chạy dọc Đại lộ Thăng Long, tuyến số 7 chạy dọc đường Lê Trọng Tấn.
Quy mô và lộ trình cụ thể của 3 tuyến đường sắt đô thị này như sau:
Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn cao – Hòa Lạc. Tuyến này có tổng chiều dài khoảng 40km, điểm đầu là phố Văn Cao gần hồ Tây, điểm cuối là Đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Lộ trình cụ thể của tuyến metro số 5 là: Đường Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc. Đoạn từ Nam Hồ Tây – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng – Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi cao trong phạm vi dải phân cách giữa của Đại lộ Thăng Long. Tổng số ga trên tuyến 17 ga và 2 đề pô tại Sơn Đồng (Hoài Đức) và Hòa Lạc.
Tuyến đường sắt đô thị số 6 Nội Bài – Ngọc Hồi. Tuyến này có tổng chiều dài khoảng 43km, điểm đầu tại khu vực Sân bay Nội Bài, điểm cuối là Ngọc Hội (huyện Thanh Trì). Khi xây dựng, tuyến số 6 sẽ giúp người dân Vinhomes Smart City và khu vực xung quanh có thể di chuyển thẳng tới Sân bay Nội Bài.
Lộ trình của tuyến Metro số 6 là: Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi. Tuyến này được xây dựng trên cơ sở tuyến đường sắt vành đai phía Tây hiện tại và quy hoạch là tuyến đi cao hoặc đi bằng với tổng số 29 ga và 2 đề pô tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ.
Tuyến đường sắt đô thị số 7 Mê Linh – Hà Đông. Tuyến này dài 28 km, điểm đầu tại huyện Mê Linh, điểm cuối tại quận Hà Đông. Lộ trình của tuyến metro số 7 là: Mê Linh – Đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội (Hà Đông) với chiều dài Khoảng 28 km, tuyến đi cao toàn bộ hoặc đi cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị Đông Vành đai 4, với tổng số 23 ga và 1 đề pô tại Mê Linh.
Vị trí các ga đường sắt đô thị ở Vinhomes Smart City
Vinhomes Smart City nằm trọn trong quy hoạch phân khu S3 của Hà Nội. Theo bản đồ quy hoạch giao thông phân khu S3 thì có 5 vị trí được định hướng làm nhà ga ở trong hoặc gần Khu đô thị Vinhomes Smart City. Trong đó có 2 ga tuyến đường sắt đô thị số 5, 2 ga tuyến số 6 và 1 ga tuyến số 7.
Vị trí cụ thể của các tuyến này như sau:
Tuyến số 5 chạy dọc Đại lộ Thăng Long, một ga của tuyến này dự kiến đặt ngay vị trí hầm chui đại lộ, ngay phía trước Vinhomes Smart City (Vị trí số 1), một ga khác của tuyến này dự kiến đặt tại ngã ba Đại lộ Thăng Long – Lê Trọng Tấn hiện nay, cách cổng Vinhomes Smart City gần 1km (Vị trí số 2).
Tuyến số 6 chạy cắt ngang Vinhomes Smart City, dọc theo đường sắt hiện tại. Một ga của tuyến số 6 đặt ở phía Bắc dự án, ngay sát Đại lộ Thăng Long, gần tòa S1.03, gần trạm sạc điện Vinfast và bãi để xe của dự án (Vị trí số 3). Một ga khác của tuyến này nằm ở phía Nam dự án, gần các tòa S3 của dự án (Vị trí số 4).
Tuyến số 7 chạy dọc đường Lê Trọng Tấn (Vành đai 3,5). Một ga của tuyến này nằm ở ngã tư Lê Trọng Tấn – Nam An Khánh, cách tòa S2.05 khoảng gần 500m (Vị trí số 5).
Khi nào làm các tuyến đường sắt đô thị chạy qua Vinhomes Smart City?
Theo quy hoạch giao thông vận tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 mà chúng tôi nêu trên, thì lộ trình làm các tuyến đường sắt đô thị chạy qua Vinhomes Smart City như sau:
Tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi) và tuyến số 7 (Mê Linh – Hà Đông) đều có thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030.
Đối với tuyến số 5, đoạn từ Văn Cao – Vành đai 4 (dài 14km), kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016- 2020; đoạn Vành đai 4 – Hòa Lạc (26km) sẽ làm trong giai đoạn 2020 – 2030.
Như vậy, theo lộ trình đề ra trong quy hoạch giao thông vận tại Thủ đô Hà Nội thì tuyến đường sắt đô thị số 5 có vẻ đang chậm hơn so với kế hoạch.
Tuy nhiên, theo chúng tôi nhận định, sau tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) và số 3 (đoạn Nhổn – Ga Hà Nội) thì tuyến số 5 sẽ là một trong những tuyến được xây dựng xong sớm nhất trong các tuyến còn lại.
Tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 5
Sở dĩ chúng tôi nhận định khả quan về tiến độ tuyến metro số 5 như trên là vì nhiều lý do. Trước hết, tuyến đường sắt số 5 có thể tạo động lực phát triển ở khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là Đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Mà những dự án hạ tầng lớn, tạo động lực phát triển cho những khu vực lớn thường được chú trọng, ưu tiên đầu tư.
Thứ hai, một trong những lý do lớn nhất quyết định một dự án có thể triển khai nhanh hay chậm là giải phóng mặt bằng. Về điều này, có thể thấy dự án metro số 5 rất thuận lợi khi gần như toàn bộ lộ trình nó đi qua hiện đang là đường giao thông, không vướng nhà dân.
Thứ ba, Hà Nội đã có những bài học kinh nghiệm từ việc triển khai đường sắt Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội và chắc chắn sẽ không để lặp lại trong các dự án tiếp theo. Đáng chú ý là, dự kiến 90% vốn đầu tư làm tuyến số 5 dự kiến sẽ lấy từ ngân sách của TP Hà Nội (vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021-2025; vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; từ đấu giá đất; trái phiếu), chỉ khoảng 10% còn lại là vay từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Thứ tư, trên thực tế, tuyến số 5 đã được nhen nhóm thực hiện từ lâu. Trước đây, Tập đoàn Vingroup vốn là đơn vị nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt này theo hình thức BT. Tuy nhiên, năm 2019, hầu hết các dự án BT trên phạm vi cả nước phải tạm dừng để rà soát. Đến năm 2020, hình thức BT đã được hủy bỏ trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu triển khai dự án đường sắt đô thị số 5 theo hợp đồng BT cũng đã được hủy bỏ để chuyển sang hình thức đầu tư công.
Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, ngày 22/4/2020, tại Hội nghị lần thứ 23, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai và dự án tuyến đường sắt đô thị số 5.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ triển khai toàn tuyến từ Văn Cao đến Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng. Quy mô chính xác của dự án là 38,43km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Diễn biến mới nhất là, ngày 1/6 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị số 5.
Do tuyến đường sắt đô thị số 5 là dự án sử dụng vốn đầu tư công lớn, thuộc dự án quan trọng quốc gia. Do đó, theo quy trình, sau khi hoàn thiện, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Có thể bạn quan tâm: ‘Bí mật’ từ kế hoạch sử dụng đất có thể giúp bạn đầu tư nhà đất lãi lớn
(Bài viết mang tính chất tham khảo. Hãy like, share bài viết nếu thấy hữu ích).