Vingroup sẽ làm dự án tỷ USD ở Phân khu Sông Hồng: Vị trí chính xác, khi nào khởi công, bồi thường bao nhiêu?

Vingroup sẽ làm dự án tỷ USD ở Phân khu Sông Hồng: Vị trí chính xác, khi nào khởi công, bồi thường bao nhiêu?

Thông tin chi tiết về quy hoạch Khu đô thị đẹp nhất Phân khu Sông Hồng của Vingroup (có thể mang thương hiệu Vinhomes như thường lệ): Vị trí chính xác, chi phí bồi thường, thời điểm khởi công…

Khu đô thị đẹp nhất Phân khu Sông Hồng

Các bạn thân mến, hôm nay, chúng tôi sẽ chuyển tới các bạn hình ảnh và những thông tin chi tiết nhất về Khu đô thị thông minh, sinh thái của Vingroup ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Đây cũng là khu đô thị đẹp nhất Phân khu Sông Hồng.

Thưa các bạn, vào năm 2021, ngay từ khi huyện Đông Anh trình phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 lên cấp thành phố, chúng tôi đã nhận thấy sự xuất hiện của một khu đô thị mới được quy hoạch ở vị trí đắc địa ven sông Hồng.

Một năm sau đó, tức năm 2022, quy hoạch Phân khu sông Hồng được phê duyệt và công bố. Khi đó, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi cho rằng, đây chính là khu đô thị đẹp nhất trong Phân khu Sông Hồng.

Khu đô thị này có diện tích 268ha, chủ yếu thuộc địa bàn xã Tàm Xá và xã Xuân Canh, phần còn lại nằm trên địa giới xã Vĩnh Ngọc, thuộc huyện Đông Anh.

Dưới đây là vị trí chính xác của khu đô thị:

Đây là hình ảnh khu đô thị nhìn trên Google Earth.
Còn đây là hình ảnh khu đô thị nhìn từ đầu cầu Nhật Tân phía quận Tây Hồ.
Đây là hình ảnh khu đô thị nhìn từ chân cầu Nhật Tân phía huyện Đông Anh.

Dưới đây là một số lý do khiến chúng tôi nhận định đây là khu đô thị đẹp nhất Phân khu Sông Hồng.

Thứ nhất, Phân khu sông Hồng được chia làm ba phân đoạn quản lý phát triển. Trong đó, đoạn từ cầu thăng Long đến cầu Thanh Trì là phân đoạn trung tâm của phân khu. Tức là, khu đô thị mà chúng ta đang nói đến nằm ở khu vực trung tâm của Phân khu Sông Hồng.

Thứ hai, bãi sông này có tầm view nhìn ra cầu Nhật Tân, ra mặt nước sông Hồng và đặc biệt là ôm trọn tầm nhìn về trung tâm Hà Nội ở phía bên kia sông.

Bên cạnh đó, như đã trình bày khi nãy, bãi sông có hình trăng khuyết, nơi đây chủ yếu là đất nông nghiệp, rất thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, đây là khu đô thị có tỷ lệ đất ở lớn nhất phân khu Sông Hồng. Tổng số căn hộ dự kiến tại dự án này lên tới 12.833 căn, trong đó 427 căn biệt thự, 1.211 căn liền kề, 7.769 căn chung cư thương mại. Đặc biệt, tại đây dự kiến sẽ có chung cư nhà ở xã hội với 3.426 căn.

Tại các bãi sông khác, đa số là nhà ở riêng lẻ hiện hữu. Với các khu đô thị mới, các bãi sông được phép xây dựng mới thì tỷ lệ đất ở là rất thấp, thậm chí nhiều dự án chỉ là dạng đô thị sinh thái, không có đất ở.

Thứ tư, khu đô thị mà chúng ta đang nói đến được phép xây tới 50 tầng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là nơi quy hoạch cho phép xây cao tầng nhất trong Phân khu sông Hồng. Các bãi sông khác chỉ được xây cao nhất là 25 tầng.

Dự án của Vingroup được xây cao 50 tầng, cao nhất Phân khu Sông Hồng.

Ngoài ra, một lý do khác cũng khiến khu đô thị này trở nên hấp dẫn, đó là nó nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, một trong những huyện được quy hoạch lên Thành phố phía Bắc của Hà Nội. Khu đô thị này là một trong những mảnh ghép lớn của Thành phố ven sông Hồng mà chúng ta hay nghe nhiều những năm gần đây.

Về tay Vingroup

Dự án này được triển khai theo hình thức đấu thầu.

Tháng 5 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội đã phát đi thông báo mời doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án này với tên gọi là: Khu đô thị thông minh – sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, và Xuân Canh, thuộc huyện Đông Anh.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, cuối tháng 6, Sở này đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Đến thời điểm đó, chỉ có 1 đơn vị đăng ký là liên danh Vingroup – Thái Sơn và Long Hải.

Trong đó, Công ty Thái Sơn cũng là thành viên nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup. Thái Sơn chính là pháp nhân đầu tư Khu đô thị Vinhomes Smart City ở quận Nam Từ Liêm.

Về lý thuyết thì hiện dự án chưa phê duyệt, chấp thuận chủ đầu tư. Nhưng với tình hình như hiện tại thì gần như chắc chắn khu đô thị bên cầu Nhật Tân này sẽ về tay nhóm tập đoàn Vingroup.

Vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, hơn 2.000 tỷ bồi thường giải phóng mặt bằng

Về vốn đầu tư, tổng chi phí thực hiện dự án này là khoảng 33,1 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại.

Số tiền 33,1 nghìn tỷ đồng này là chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cũng như chưa bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhé các bạn.

Dự kiến số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của dự án là khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 800.000 đồng/m2. Con số này có vẻ khá khiêm tốn là vì như chúng ta đã thấy, phạm vi dự án hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, các con này mới là dự tính sơ bộ. Tổng mức đầu tư chính xác của khu đô thị thông minh, sinh thái này sẽ được xác định ở giai đoạn khi có kết quả đấu thầu, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được lập và phê duyệt. Không loại trừ khả năng, khi đó, mức đầu tư cho dự án còn tăng lên nhiều nữa thì sao. Chúng ta cùng chờ đợi thêm thời gian nữa để biết chính xác vấn đề này nhé.

Dự án của Vingroup ở Đông Anh khi nào khởi công?

Khu đô thị thông minh, sinh thái được Chấp thuận Chủ trương đầu tư vào tháng 9/2023. Đã được đưa vào kế hoạch thu hồi đất năm 2024 của TP Hà Nội.

Và như chúng ta đã biết, hiện đang ở bước chọn nhà đầu tư. Với tình hình hiện nay, thì gần như khâu chọn nhà đầu tư sẽ xong trong năm nay.

Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thì dự án sẽ bắt đầu triển khai các bước tiếp theo như lập quy hoạch chi tiết, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, vân vân… Sau đó là khởi công, xây dựng và vận hành dự án.

Dự án của Vingroup nằm ở chân cầu Nhật Tân, vị trí đắc địa bậc nhất Phân khu Sông Hồng.

Theo văn bản chấp thuận Chủ trương đầu tư của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cũng như Văn bản mời quan tâm đầu tư do Sở kế hoạch và Đầu tư ban hành, thì tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm 2031. Tức là, từ thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư tới khi hoàn thành dự án là 8 năm, tính từ thời điểm này thì chỉ còn 7 năm nữa.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó là về lộ trình theo dự kiến, tức là về lý thuyết, còn trên thực tế, đối với bất cứ một dự án nào, ngay cả người ký văn bản chấp thuận đầu tư thì cũng không thể chắc chắn khi nào dự án được xây dựng và hoàn thành.

Bởi vì, thời gian khởi công dự án phụ thuộc vào thời gian để hoàn thành các thủ tục, các khâu liên quan như chúng tôi đã nói khi nãy là nhanh hay chậm.

Đặc biệt, hiện nay Luật Đất đai mới đã có hiệu lực, trong đó có vấn đề về xác định giá đất theo cách mới. Việc này cũng có thể khiến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng mất thời gian hơn.

Ngoài ra, thực tế thì cũng còn phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nữa.

Nhưng dù sao, chúng ta hãy chờ thêm thời gian để biết liệu Vingroup có thể triển khai dự án này theo kế hoạch được TP Hà Nội đề ra hay không.