Loại đất nào được xây nhà theo quy hoạch, đất nào sẽ bị giải tỏa trong tương lai?
Khi đọc hết bài viết, bạn chỉ cẩn mở bản đồ quy hoạch ra là sẽ biết khu đất nào được xây nhà theo quy hoạch, đất nào sẽ bị giải tỏa trong tương lai.
Đối với đất nền, nhà đất riêng lẻ
Hôm trước, Quy hoạch & Đầu tư đã đăng tải bài viết “Ý nghĩa các loại đất trong quy hoạch chưa ai chỉ bạn, được làm gì trên từng loại đất?” (xem tại đây). Nếu đọc kỹ bài viết đó, bạn sẽ thấy rằng, loại đất được xây nhà ở riêng lẻ và không lo dính quy hoạch là “đất ở làng xóm”, một phần nhóm “đất ở đô thị” và “đất ở mới”.
Đối với các bạn không hiểu nhiều về quy hoạch và có nhu cầu mua mảnh đất để xây nhà dưới 6 tầng để gia đình sinh sống lâu dài thì mình có lời khuyên là chỉ nên mua các khu đất được quy hoạch là “đất ở làng xóm”.
Các bạn có thể tham khảo thêm về quy hoạch “đất lở làng xóm” tại bài viết này: “Mua đất ở đâu an toàn, không lo dính quy hoạch ở Hà Nội”.
Riêng với loại được quy hoạch là “đất ở đô thị” hoặc “đất ở mới”, thì đây cũng là loại đất được nhiều người tìm mua hiện nay.
Để an toàn nhất thì các bạn nên theo dõi để trực tiếp tham gia các đợt đấu giá đất của cơ quan chức năng địa phương. Nếu không thể tham gia các phiên đấu giá này, thì có thể mua lại từ những người đã trúng đấu giá. Các bạn cũng có thể mua lại đất ở các khu tái định cư, đất giãn dân.
Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn mảnh đất mình mua là đất đã được thực hiện đấu giá, đã có dự án tái định cư, giãn dân.
Đối với chung cư, biệt thự
Riêng với các bạn mua chung cư, biệt thự, liền kề, nhà ở xã hội… thì chỉ cần xác minh dự án có giấy phép là an tâm. Các dự án này thường được xây trên loại đất hỗn hợp, đất ở đô thị và đất ở đô thị mới.
Tất cả thông tin nói trên là chính xác nhất đối với bản đồ quy hoạch Phân khu H2-2 Hà Nội (một phần quy hoạch các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông) và có thể áp dụng cho toàn bộ hơn 30 quy hoạch phân khu tại Hà Nội (các quận trung tâm và gần trung tâm Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hoài Đức, Hà Đông…). Ý nghĩa các loại đất trên bản đồ quy hoạch các phân khu tại TP HCM cũng tương tự như Hà Nội.
Đối với các địa bàn (một số huyện của Hà Nội và các tỉnh khác) không nằm trong quy hoạch phân khu, thì trên bản đồ quy hoạch chung của địa phương đó thường sẽ có ký hiệu các loại đất quy hoạch như: Đất làng xóm hiện trạng, Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn, Đất ở đô thị hiện trạng, Đất đơn vị ở mới, Đất ở nông thôn.
Đây đều là các loại đất quy hoạch có chức năng ở (gần giống với trong bản đồ quy hoạch phân khu). Trong đó, với các bạn có nhu cầu mua nhà ở riêng lẻ mà không hiểu nhiều về quy hoạch thì nên chọn mua nhà đất thuộc quy hoạch: Đất làng xóm hiện trạng, Đất ở nông thôn, Đất ở đô thị hiện trạng.
Ngoài tất cả các loại đất ở kể trên, tất cả các loại đất khác (đất công cộng đô thị, công cộng đơn vị ở, đất cây xanh, đất giao thông, đất y tế, đất trường học, đất cơ quan – viện nghiên cứu, đất nông nghiệp, đất lúa nước, đất trồng cây hàng năm – lâu năm…) đều không được xây dựng các công trình có chức năng ở (không được cấp sổ đỏ, không được đăng ký hộ khẩu thường trú)… Cho dù các khu đất này hiện nay có nhà và có sổ đỏ, thì trong tương lai, khi đất được sử dụng theo đúng quy hoạch, mảnh đất đó sẽ được thu hồi, người có nhà đất sẽ được bồi thường (nếu đủ điều kiện) và giải tỏa theo quy định.
(Bài viết có giá trị tham khảo. Hãy comment và chia sẻ link bài nếu thấy có ích).