Mua đất ở đâu an toàn, không lo dính quy hoạch ở Hà Nội

Mua đất ở đâu an toàn, không lo dính quy hoạch ở Hà Nội

Đây là cách đơn giản để nhận biết những khu vực đất không dính quy hoạch ở Hà Nội.

Thế nào là đất dính quy hoạch?

Dưới góc độ người mua nhà đất để ở lâu dài, có thể hiểu đơn giản rằng: Đất dính quy hoạch là đất sẽ bị thu hồi vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Ngược lại, đất không dính quy hoạch là đất sẽ bị không bị thu hồi, có thể xây nhà ở lâu dài.

Đất ở đâu không bị quy hoạch?

Quy hoạch của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thường đi chậm so với tốc độ đô thị hóa. Trước khi các quy hoạch chính thức được lập thì Hà Nội đã có hàng loạt ngôi làng với nhà cửa san sát nhau. Nếu quy hoạch sử dụng vào các ngôi làng này thì sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí để làm công tác tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chính vì vậy, quy hoạch của Hà Nội thường có xu hướng giữ nguyên các khu dân cư này. Cũng vì thế, nếu bạn có nhu cầu mua nhà đất ở lâu dài (không bao gồm nhà đất trong các khu đô thị mới, các dự án biệt thự, liền kề, chung cư) thì nhà đất ở trong các ngôi làng này là khá an toàn.

Đất thuộc nhóm này là đất không dính qui hoạch, tức bạn có thể xây nhà ở lâu dài mà không lo bị thu hồi. Trên các bản đồ quy hoạch tùy cấp, tùy loại, nhóm đất làng xóm ở thường ký hiệu và chú thích là: Đất ở làng xóm, Đất ở làng xóm hiện có, Đất nhóm nhà ở hiện có…

Cách tra cứu đất không dính quy hoạch online

Các bạn cần nhớ là, không phải ngôi làng nào đất cũng an toàn, không phải ngôi làng nào cũng không bị quy hoạch. Như đã nói ở trên, chỉ những ngôi làng có ký hiệu và chú thích trên bản đồ quy hoạch là các loại đất: Đất ở làng xóm, Đất ở làng xóm hiện có, Đất nhóm nhà ở hiện có… thì mới là đất an toàn, không dính quy hoạch.

Nếu bạn nào có và biết xem các bản đồ gốc quy hoạch cấp phân khu của Hà Nội thì dễ dàng nhận diện được nhóm đất an toàn nói trên.

Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn nhận biết nhóm đất không dính quy hoạch nói trên qua bản đồ tra cứu quy hoạch online đang được khá nhiều người biết đến, đó là các trang: https://quyhoach.hanoi.vn/ hoặc https://hanoi.land/vietpalm/.

Bản đồ online này cũng có app để các bạn cài trên điện thoại. Các bạn chỉ vào phần tải ứng dụng trên điện thoại Android, search “bản đồ quy hoạch Hà Nội” là nó sẽ ra. Sau đó, bạn chỉ cần tải về, cài đặt theo hướng dẫn rất đơn giản.

Theo mình biết, bản đồ này do doanh nghiệp tư nhân vẽ dựa theo các quy hoạch phân khu, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái và quy hoạch các quận, huyện, thị xã trên toàn Hà Nội.

Mình đã thử so sánh với bản vẽ gốc đối với một số phân khu và thấy bản đồ online này khá chính xác. Các bạn lưu ý là, bản đồ này còn vẽ cả các khu vực quy hoạch chưa được phê duyệt chính thức (thường là khu vực nội đô từ sông Tô Lịch trở vào và đất ngoài đê hai bên sông Hồng, đều thể hiện trên bản đồ).

Trở lại vấn đề chính, trên bản đồ quy hoạch online này, nhóm đất làng xóm không dính quy hoạch mà mình đang hướng dẫn các bạn được ký hiệu và chú thích là “Đất ở làng xóm hiện có”. Vì vậy, bạn cứ xem ở đâu, ở ngôi làng nào được ký hiệu nhóm đất này thì đó là vùng không dính quy hoạch.

Bằng cách này, bạn có thể thấy có rất nhiều ngôi làng thuộc nhóm đất không bị quy hoạch như: Lệ Mật (quận Long Biên); Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm); Cốm Vòng (quận Cầu Giấy); Nhân Mỹ, Phú Mỹ (Nam Từ Liêm)…

Ví dụ, trong ảnh dưới đây, phần trong khung vẽ màu xanh là phần đất thuộc các làng Nhân Mỹ, Phú Mỹ và Đình Thôn, thuộc các phường Mỹ Đình 1-2, quận Nam Từ Liêm. Các ngôi làng này nằm trong nhóm Đất ở làng xóm hiện có.

Khu vực làng Nhân Mỹ, Đình Thôn, Phú Mỹ nằm trong nhóm đất không dính quy hoạch.

Khi tra cứu nhóm đất không dính quy hoạch này, các bạn ghi nhớ thêm mấy vấn đề dưới đây:

Một là: Không phải ngôi làng nào đất cũng an toàn, không phải ngôi làng nào cũng không bị quy hoạch. Trên bản đồ online mình đang hướng dẫn, chỉ có những ngôi làng được ký hiệu là “Đất ở làng xóm hiện có” thì mới không bị quy hoạch.

Nếu ngôi làng nào được ký hiệu là nhóm đất khác, như: Đất cây xanh (thường có màu xanh trên bản đồ); đất công cộng (kẻ đỏ); đất an ninh quốc phòng… thì ngôi làng đó, khu đất đó là đất dính quy hoạch, có thể bị thu hồi trong tương lai.

Ví dụ: Cùng trong bức ảnh nói trên, một khu đất ở phía sau Sân vận động quốc gia Mỹ Đình có một khu dân cư dân cư rất đông đúc đang sinh sống. Tuy nhiên, đất này được quy hoạch là đất cây xanh. Do đó, ngôi làng này là đất dính quy hoạch và có thể bị thu hồi trong tương lai.

Vùng khoanh đỏ là ngôi làng dính quy hoạch ở phía sau Sân bóng Mỹ Đình.

Hai là: Trong các ngôi làng thuộc đất “Đất ở làng xóm hiện có”, thông thường vẫn có những ngôi nhà nằm trong quy hoạch để mở các đường giao thông. Các bạn xem trên bản đồ, nếu có hình kẻ vẽ ký hiệu đường giao thông chạy qua, đè lên mảnh đất mà bạn đang quan tâm, thì mảnh đất đó cũng là đất dính quy hoạch.

Ba là: Nhóm “Đất ở làng xóm hiện có” khác với nhóm “Đất ở đô thị”. Nhóm “Đất ở đô thị” thể hiện trên bản đồ mình đang hướng dẫn là nhóm đất để xây nhà ở mới. Nhóm đất này thường là đất để làm các dự án chung cư cao tầng, quỹ đất tái định cư, quỹ đất dịch vụ… Tức là, nếu những mảnh đất này chưa sử dụng theo quy hoạch thì nó cũng có thể được thu hồi khi các dự án mới được triển khai theo quy hoạch.

Chung cư cao tầng, nhà đất tái định cư thì khá rõ ràng, riêng đất dịch vụ cũng là loại đất có thể mua bán sau khi nhà nước bàn giao cho đối tượng được bồi thường đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc mua bán đất này không đơn giản như việc mua bán đất thuộc nhóm “Đất ở làng xóm hiện có” và bạn nên tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi mua loại đất đó.

(Nội dung trong bài có giá trị tham khảo. Hãy chia sẻ link bài, comment nếu thấy có ích.)